Cách đây một vài năm, khi đề cập đến tài chính tiêu dùng (TCTD), nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường này là hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của CTTC và đảm bảo hoạt động này sẽ tiếp tục phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.
Nguồn vốn đầu vào cho TCTD cũng không còn là vấn đề quá lớn khi ngày càng nhiều “ông lớn” không ngần ngại rót tiền vào thị trường đầy tiềm năng này. Gần đây nhất là thương vụ trị giá 100 triệu USD của ngân hàng Deutsche Bank và FE CREDIT vừa qua.
Trước đó, có thể kể đến việc ngân hàng Techcombank thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại đơn vị thành viên là Công ty tài chính Techcom Finance cho Lotte Card (Tập đoàn Lotte Hàn Quốc). Các công ty tài chính khác có quy mô thị phần nhỏ hơn như MaritimeBank, MBBank - MCredit cũng lần lượt tuyên bố tái cấu trúc với sự tham gia sâu hơn của các đối tác nước ngòai.
Tuy nhiên, sau khi được tạo điều kiện thuận lợi với một hành lang pháp lý rõ ràng và tìm kiếm được những nguồn vốn lớn, các công ty tài chính vẫn đang phải đối mặt với một rào cản vô hình và khó khăn hơn nhiều là nhận thức của người dân về TCTD.
Thực tế cho thấy, nhận thức của nhiều người dân về TCTD còn thấp do các thông tin về lĩnh vực này “vừa yếu vừa thiếu” trong suốt nhiều năm, Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Nhận thức của người dân về TCTD, nếu chính xác và đầy đủ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường này phát triển, còn ngược lại, những thông tin sai lệch, không đầy đủ sẽ là rào cản khiến thị trường, dù đã tăng trưởng liên tục gần một thập kỷ nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức dưới tiềm năng.
Cởi trói cho tài chính tiêu dùng
Trong khi đó, tại Việt Nam, các vấn đề về tài chính cá nhân hầu như không được đề cập trong các chương trình học phổ thông. Đến đại học thì chỉ một số ít trường liên quan đến lĩnh vực kinh tế mới có giáo trình. Phần lớn còn lại phải tự mày mò tìm hiểu hoặc học theo lối truyền miệng.
Bởi vậy, dù TCTD đã có mặt tại Việt Nam gần 10 năm thì cũng vẫn còn không ít người dân nhầm tưởng loại hình cho vay vốn này với… tín dụng đen hoặc cầm đồ lãi suất cao.
Thực trạng này dẫn đến việc nhiều người, thay vì tìm đến TCTD - một nguồn vốn hợp pháp - khi có nhu cầu vay mua sắm trang thiết bị điện tử, đồ gia dụng hay vay tiền mặt để sử dụng các dịch vụ khác như du lịch, chữa bệnh, học tập,… thì lại lựa chọn những kênh cung cấp vốn phi chính thức như cầm đồ, “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng Bộ Giáo dục đào tạo cần đưa TCTD vào chương trình học đường để học sinh có thể tiếp cận TCTD từ nhỏ.
Còn trong ngắn hạn, cần nâng cao nhận thức cho người dân về bản chất và ích lợi của tín dụng tiêu dùng thông qua kênh truyền thông. “Trong đó, kênh truyền thông hiệu quả nhất chính là truyền thông từ những khách hàng hiện tại của TCTD” hay nói cách khác, “mỗi nhà cung cấp TCTD đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động công khai và hướng dẫn chi tiết các điều khoản trong hợp đồng tín dụng để khách hàng luôn tin tưởng và gắn bó lâu dài”, TS Đỗ Hoài Linh nhấn mạnh.
Nguồn Báo Tiền Phong